Là giáo viên làm công tác chủ nhiệm nhiều năm liền,ốngbạolựchọcđườngCầngiámsátnhữngđiểmnóngtạitrườfotor tôi đã biết và tham gia giải quyết vấn nạn bạo lực học đường cùng đồng nghiệp.
Học tốt giáo dục công dân vẫn có xu hướng bạo lực
Tôi nhận thấy nội dung trong các bài học trong môn giáo dục công dân (GDCD) là chưa đủ để làm chuyển biến tư tưởng của các em. Nếu thầy cô sa vào truyền đạt các bộ luật, học sinh chỉ thuộc bài chứ không vận dụng được vào cuộc sống.
Không ít trường hợp học sinh thích sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn có điểm số môn GDCD khá cao. Qua tìm hiểu, tôi nhận thấy những em này cho rằng sử dụng bạo lực với bạn là cách hay nhất để chứng tỏ sức mạnh và chân lý thuộc về mình. Các em còn lôi kéo bè phái đứng về phía mình để uy hiếp, trấn áp bạn.
Để góp phần ngăn chặn vấn nạn bạo lực học đường, nhà trường và thầy cô cần tăng cường nhận thức cho học sinh rằng mọi bất đồng, mâu thuẫn, tranh chấp với nhau đều có thể giải quyết thông qua việc trình bày, lắng nghe, thông cảm tìm tiếng nói chung để hai bên đều hài lòng.
Thầy cô chủ nhiệm nên bằng nhiều cách thức nêu gương tốt trong việc ứng xử trong cộng đồng, lấy hòa giải, nhường nhịn, khoan dung làm chính. Thầy cô cũng không được sử dụng bạo lực với các em để làm gương tốt.
Bên cạnh bài học chính, thầy cô có thể chia sẻ thêm các bài báo hay, câu chuyện tốt về giải quyết mâu thuẫn trong cuộc sống và hậu quả nặng nề từ những vụ bạo lực học đường. Từ việc lắng nghe, nhìn nhận và phát biểu suy nghĩ trước vấn đề này, học sinh từng bước đưa ra cách giải quyết trên cơ sở tránh xung đột, dùng bạo lực.
Ngoài ra, nhà trường, giáo viên cũng có thể phát động các buổi diễn tiểu phẩm tại lớp, trước trường, viết câu chuyện ứng xử giải quyết các tình huống có thể dẫn đến sử dụng bạo lực học đường.
Những cách giải quyết từ yêu thương
Trường của tôi có gần 2.000 học sinh, hiệu trưởng tổ chức trực quan sát, giải quyết tình huống phức tạp ở các điểm nóng trong trường như góc cầu thang, khu vực vệ sinh căn tin đề phòng bạo lực học đường.
Hệ thống camera được lắp đặt các nơi và có bộ phận quan sát, kiểm tra giải quyết kịp thời. Thầy cô được khuyến cáo cần tăng cường gần gũi với các em trong thời gian ở trường. Giáo viên đến lớp trước giờ lên lớp 10 phút mỗi buổi để nắm bắt tình hình của lớp. Mọi vấn đề bất thường đều được ghi nhận và giải quyết ngay.
Tiết cuối mỗi buổi học, thầy cô cùng ra về với các em, bảo đảm không còn học sinh ở lại lớp hay trong các khu vực của trường. Trên đường về, thầy cô được nhắn nhủ quan tâm học sinh của trường, nếu có phát sinh sự cố nên tham gia giải quyết, ngăn chặn kịp thời.
Học sinh được nhắc nhở không đến những nơi vắng người, xa nhà, xa trường… để giải quyết sự việc theo yêu cầu của bạn. Việc tự bảo vệ bản thân là quan trọng. Không giấu gia đình và thầy cô để tự giải quyết. Ngay cả việc thờ ơ đứng xem bạn bị bạo hành, cổ vũ bằng lời nói, hành động, không can ngăn, không báo thầy cô và gia đình biết để giải quyết, tham gia bạo hành, quay phim, phát tán hình ảnh, clip việc bạo hành… cũng là việc vi phạm nội quy, vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý.
Việc sử dụng mạng xã hội, nhất là sự chia sẻ, bình luận hình ảnh, việc làm của nhau cần hết sức cẩn trọng vì đây chính là nguồn cơn của những bất đồng, mâu thuẫn dẫn đến bạo lực với nhau. Ngay cả người lớn, những bất đồng khi tham gia mạng xã hội còn dẫn đến vi phạm pháp luật. Vì thế, thầy cô cần nêu gương không dùng mạng xã hội để công kích, nói xấu nhau hay bày tỏ cảm xúc, chia sẻ sự việc chưa hiểu rõ.
Suốt nhiều năm, tôi chủ nhiệm lớp, tôi luôn gắn bó với các em. Ngày nào cũng dành ít phút đến thăm lớp. Ra chơi, tôi ngồi lại với các em. Những gì bất bình thường, những ánh mắt lo âu sợ hãi, sự bồn chồn lo lắng ở các em… tôi ghi nhận được.
Phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình
Thầy cô tổ chức các hoạt động tập thể, vui chơi, trải nghiệm, làm công tác xã hội ở địa phương để xây dựng một tập thể đoàn kết, tương trợ, cùng nhau tiến bộ. Các vụ việc học sinh đánh nhau thường có sự chuẩn bị, thậm chí thông báo từ trước. Thậm chí, trong một số vụ việc, nhóm học sinh còn phân công vai trò từng người: trực tiếp hành hung, quay phim, cảnh giới và uy hiếp ngăn cản nạn nhân tố cáo sự việc với nhà trường. Thông qua kênh liên lạc với học sinh trên Zalo, Facebook, giáo viên cần lưu ý rằng học sinh nếu phát hiện tình tiết đáng ngờ hay cảm thấy bị đe dọa thì cần nhanh chóng thông báo cho thầy cô biết.
Bên cạnh đó, việc kết hợp với đoàn thể trong nhà trường với cha mẹ học sinh nên được coi trọng. Nhà trường, giáo viên không nên chỉ dừng ở mức gọi điện thoại, nhắn tin hay mời vào trường thông báo, đề xuất mức kỷ luật thích đáng để răn đe… Thay vào đó, cần có những cuộc gặp gỡ chân tình, tạo điều kiện cho học sinh thấy sai lầm, tự đề xuất cách phấn đấu sửa chữa. Gia đình và nhà trường không lên án nặng nề, không thành kiến với học sinh mắc lỗi mà cần kiên trì giúp các em nhận ra điều sai, tự giác điều chỉnh.
Tôi cũng xây dựng một mạng lưới thông tin từ đồng nghiệp và học sinh luôn mang đến cho tôi những hiện tượng cần lưu ý để hạn chế những điều không hay xảy ra do bạo lực học đường. Không mất nhiều thời gian, bằng sự quan tâm thương yêu học sinh, lớp tôi chủ nhiệm và học sinh toàn trường đã hạn chế đến mức thấp nhất vấn nạn bạo lực học đường, phụ huynh tin cậy, học sinh thật sự đoàn kết, thân ái để thật sự mỗi ngày đến trường là một ngày vui.
Mời bạn đọc tham gia diễn đàn: Giải pháp nào cho vấn nạn bạo lực học đường?
Nhằm đi tìm nguyên nhân cốt lõi đồng thời có được những giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, Báo Thanh Niênmở diễn đàn "Giải pháp nào cho vấn nạn bạo lực học đường?". Chúng tôi mong nhận được ý kiến đóng góp từ quý độc giả.
Bạn đọc có thể gửi bài viết, ý kiến về địa chỉ [email protected]. Những bài viết chọn đăng sẽ nhận được nhuận bút theo quy định. Cảm ơn bạn đọc tham gia diễn đàn.